Bát nước chè xanh

Bát nước chè xanh

Viết bởi: Phùng Kim Quý Ngày đăng: 23/02/2017

Thoạt nhìn chẳng hiểu tại sao một bát nước chè xanh nhìn đơn giản ấy lại quấn lấy nhiều lòng người đến thế. Ở làng quê Việt Nam nói chung, trong đời sống người Hà Nội nói riêng, bát nước chè xanh giống như một người bạn chân chất và quá đỗi thân thiết. Chỉ là thứ lá trà vò nát, bỏ vào ấm tích hãm lên cho ra một thứ nước có màu xanh trong, uống có vị chát, ấy mà là thức uống nuôi dưỡng tâm hồn của bao nhiêu thế hệ người Việt.

Tục uống trà trong dân ta đã có từ lâu đời, bát nước chè xanh đi vào từng đường làng ngõ xóm, từng nếp nhà, trong câu chuyện tâm tình sớm hôm của người Việt.

Bát chè xanh theo người dân ra đồng, đến những dịp lễ hội, trên cái chõng tre của ông của bà của bá trong sân nhà. Trong cái nắng oi ả của mùa hè, những cánh đồng lúa bạt ngàn chờ tay người gặt hái. Sau những giờ phút miệt mài với đồng ruộng, mấy bác nông lại í ới gọi nhau ngồi túm lại một khoảng bóng cây đa đầu làng, uống một bát nước chè xanh, thấy cái thời tiết khắc nghiệt ấy nó dịu đi đôi phần, để lại phấn chấn, cầm liềm gặt lúa, kẽo kẹt gồng gánh lúa về sân đình, kiên trì cho hết một vụ lúa mới. Những câu chuyện được mùa, mất mùa, chuyện làng chuyện xã cứ thế lại rôm rả trong tiếng cười nói vang một góc trời. Hay những ngày sáng trăng, bác xóm trên anh xóm dưới, lại trở chõng tre vừa ngồi hóng mát, vừa tâm tình ngắm trăng. Đời sống giản đơn cứ thế được nuôi dưỡng màu mỡ hơn trong lòng mỗi người. Ấy rồi trong những dịp làng có lễ có hội, bát nước chè xanh lại được chu toàn chuẩn bị để tiếp đón khách trên tỉnh về, uống một ngụm nước chè xanh đôi khi đơn giản nhưng lại thể hiện được những nét riêng biệt của mỗi vùng mỗi đất, là sự chu đáo, là cái khéo léo hiếu khách của làng của xã, để ai đi về cũng dễ nhớ đến thứ chè pha bằng nước ở vùng đó đượm vị ra sao, lại nhớ rồi mỗi dịp đến lại lên thưởng thức.

Ở Hà Nội xưa, ngoài những nhà vương giả uống trà Tàu, thì mấy bà, mấy cô hàng nước vẫn đông khách cũng bởi bát nước chè xanh bình dị ấy. Bác khách lữ hành dừng chân ngồi uống nước nơi một quán nước, cái quán đơn sơ, bày bán vài thứ quà quê, lại thêm bát nước chè xanh với lòng hiếu khách của cô hàng nước là nơi tụ tập của “ Kẻ Chợ”, sau mỗi gánh gồng bon chen ở chốn thành thị, bớt cái vẻ mệt nhọc của bác phu xe, làm dịu đi cái cau mặt khó chịu của bác thương nhân, rũ bỏ sự mệt mỏi của người khách từ xa về đất Kinh thành.

 Bây giờ, chén nước chè xanh ở Hà Nội cũng vẫn dễ gặp ở những quán xá bên đường , ngoài những thứ nước có ga, cà phê thì nước chè xanh vẫn được ưa chuộng, người ta không uống bằng bát nữa mà thay vào đó là cốc thủy tinh. Vẫn cứ phải là thứ nước chè xanh trong mới ngon, mới lên đúng vị chát chát, dịu dịu, tê tê,…Người Hà Nội uống chè xanh để hoài niệm, để nhớ về một thời khó khăn, nhưng giàu tình cảm. Cũng dễ gặp lắm bên một chén nước chè xanh,Người trẻ được nghe một bác tóc muối tiêu kể lại những câu chuyện một Hà Nội thời gian nan, thiếu thốn, nghe những câu “ Thời ấy..”, “ Hồi đó…”. Tuổi trẻ nghe để hiểu, để biết cha ông ta đã sống với cái thú vui bình dị bên bát nước chè xanh ấy như thế nào, để người già hoài niệm về một thời đã qua, là kỉ niệm mà chẳng thể nào có lại được, cậu chuyện cứ rôm rả cứ qua hết chén nước chè này đến chén nước chè khác.

 Chẳng ai dám khẳng định rằng bát nước trà xanh ấy có phải là thức uống truyền thống hay không, nhưng bát nước chè xanh cứ thế đi sâu vào tâm thức của con người nơi đây, như tiến sỹ, thượng tọa Thích Minh Thành từng nói:

“Nhấp chèn chè xanh nhớ Hà thành

Hương thơm còn động nét đan thanh

Còn đây một thoáng quê hương Việt

Sưởi ấm lòng ta bước viễn hành”

Viết bình luận của bạn:

Các tin khác

hotline